Khai thác và chiết thủy ngân Chu_sa

Tại châu Âu, chu sa được khai thác từ thời đế quốc La Mã để làm chất màu hay để sản xuất thủy ngân và nó là quặng chính cung cấp thủy ngân trong nhiều thế kỷ. Một vài mỏ cho đến nay vẫn còn tiếp tục hoạt động.

Để sản xuất thủy ngân lỏng, quặng chu sa tán vụn được nung trong các lò quay. Thủy ngân tinh khiết tách ra khỏi lưu huỳnh theo quy trình này và dễ dàng bay hơi. Các cột ngưng tụ được sử dụng để thu thập thủy ngân lỏng, và nó được chuyên chở trong các bình bằng thép.

Do độc tính cao của thủy ngân, cả việc khai thác chu sa và tinh luyện thủy ngân đều rất độc hại và theo dòng lịch sử nó là nguyên nhân gây ra ngộ độc thủy ngân. Cụ thể, người La Mã coi việc kết án buộc lao động trong các khu mỏ khai thác chu sa như một dạng án tử hình. Người Tây Ban Nha cũng sử dụng lao động cưỡng bức ngắn hạn tại các khu mỏ Almadén, với tỷ lệ 24% tử vong trong một chu kỳ 30 năm.

Các khu vực đã khai thác chu sa bị bỏ hoang thông thường chứa các phế thải lò nung chu sa rất độc hại. Nước chảy ra từ các khu vực này được coi là nguồn gây ra các tổn hại sinh thái.

Chu sa thông thường cũng hay được sử dụng trong các ngôi mộ chôn cất hoàng tộc của người Maya trong thời kỳ đỉnh cao của nền văn minh này. Một viên đá đỏ (chứa chu sa) được chèn vào trong quan tài bằng đá vôi, có tác dụng trang trí và quan trọng hơn là nhằm ngăn cản những kẻ phá hoại hay trộm cắp bằng độc tính cao của nó.